Thursday, August 22, 2013

Mẹo nhỏ giúp tiêu hóa tốt


1. Uống nước ấm
Hàng ngày bạn hãy uống từng ngụm nhỏ nước ấm vào buổi sáng và ít nhất ba mươi phút trước bữa ăn. Hoặc bạn có thể thay thế bằng nước chanh pha loãng. Việc làm này sẽ giúp loại bỏ axit dư thừa, làm sạch hệ thống tiêu hóa và tăng cường sản xuất dịch vị trong dạ dày.
2. Ăn theo thứ tự
Khi ăn uống, hãy ăn đúng giờ bắt đầu bữa ăn với những thứ dễ tiêu và từ từ di chuyển về phía thực phẩm khó tiêu hơn. Bạn nên bắt đầu bữa ăn với trái cây hoặc nước trái cây và kết thúc bằng thịt gia cầm hoặc thịt đỏ. Bằng cách này bạn sẽ tránh được việc ăn quá nhiều, giúp hệ tiêu hóa “dễ thở” hơn.
3. Tư thế ngồi ăn
Chọn một chỗ ngồi với tư thế thật thoải mái sẽ giúp bạn có được cảm giác tốt khi dùng bữa ăn đồng thời cũng làm cho thức ăn được tiêu hóa tốt hơn.
4. Uống nhiều nước
Đây là một phương pháp tốt nhất để điều trị vấn đề tiêu hóa. Uống 8-10 ly nước mỗi ngày sẽ làm sạch đường tiêu hóa của bạn.
5. Massage
Để tăng cường tiêu hóa, bạn hãy thực hiện vài động tác tự xoa bóp bụng với một số loại tinh dầu hoặc tập các bài thể dục dành cho vùng bụng. Thực hành hàng ngày sẽ giúp kích thích sự trao đổi chất, máu lưu thông tốt hơn và cải thiện hệ tiêu hóa của bạn trong thời gian dài.
6. Ăn chậm, nhai kỹ
Ăn chậm và nhai kỹ sẽ khiến cơ thể sản xuất ra amylase, loại enzyme giúp hệ tiêu hóa của bạn thêm khỏe mạnh.
7. Kết bạn với chất xơ và  thực phẩm giàu vitamin C
Thêm vào thực đơn hàng ngày các loại thực phẩm giàu chất xơ như quả anh đào, nho, ớt chuông, ngũ cốc, các loại hạt… sẽ giúp bạn dễ tiêu hóa hơn. Ngoài ra, các thực phẩm giàu vitamin C như bông cải xanh, cà chua, trái kiwi, dâu tây… sẽ giúp các chất thải được tống ra khỏi cơ thể nhanh và dễ dàng hơn.
8. Chọn thịt nạc, tránh đồ ăn nhiều chất béo
Thực phẩm chứa nhiều chất béo sẽ mất thời gian dài để tiêu hóa, do đó chúng có thể gây ra táo bón và các vấn đề tiêu hóa. Do vậy bạn nên hạn chế chọn thịt mỡ mà hãy chọn thịt nạc và thịt gia cầm không da.
9. Thêm gia vị vào đồ ăn
Thêm các loại gia vị khác nhau như gừng, hạt tiêu đen hoặc rau mùi vào các món ăn sẽ giúp tăng thêm hương vị cho thực phẩm và giúp tất cả các vấn đề tiêu hóa của bạn được cải thiện đáng kể.
10. Giải tỏa căng thẳng
Căng thẳng có thể là lý do gây ra sự khó tiêu, do đó bạn hãy giải tỏa căng thẳng bằng cách đi bộ nhẹ nhàng, thực hành bài tập thở và thiền định.
11. Ăn sữa chua
Bạn nên ăn một hộp sữa chua ít chất béo hoặc các chế phẩm sinh học mỗi ngày. Sữa chua giàu probiotic – vi khuẩn giữ cho cơ thể khỏe mạnh, phá vỡ lactose, ngăn chặn hội chứng ruột kích thích và tăng cường khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của ruột.
12. Tránh ăn tối muộn
Hệ thống tiêu hóa của chúng ta có xu hướng chậm lại vào buổi tối. Do đó, tránh những bữa ăn đêm sẽ giúp bạn có một dạ dày khỏe mạnh.
(Sưu tầm)

Wednesday, August 21, 2013

Thực phẩm cho hệ tiêu hóa

Đầy bụng, khó tiêu, ợ chua, táo bón… là những dấu hiệu báo động của một hệ tiêu hóa không tốt. Để đẩy lùi tình trạng đó, bạn nên bổ sung nhiều chất xơ, ăn sữa chua hằng ngày và hạn chế những loại thực phẩm không tốt cho hệ tiêu hóa trong thực đơn hàng ngày của mình.

Thực phẩm bạn nên hạn chế trong thực đơn hằng ngày:





- Các món rán: ở nhiệt độ cao, chất béo trong dầu mỡ sẽ kết hợp với thực phẩm tạo thành các chất khó tiêu hóa, gây đầy bụng, khó tiêu. Đối với những người mắc bệnh về đường ruột, việc thường xuyên ăn đồ ăn chiên, rán sẽ làm tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.





- Thực phẩm cay: đồ cay có chứa một chất kích thích, sau khi vào dạ dày, chất này có thể làm "tê liệt" hoạt động tiết dịch và men tiêu hóa. Quá trình tiêu hóa thức ăn sẽ trở nên khó khăn hơn. Những người mắc các bệnh như: viêm loét dạ dày, phù nề, viêm thực quản nên tránh xa loại thực phẩm này vì chúng có thể gây chảy máu.
- Thức ăn giàu tinh bột: các loại ngũ cốc, lúa mạch hay một số loại thực phẩm giàu tinh bột sẽ thành "gánh nặng" của hệ tiêu hoá nếu lượng nạp vào quá nhiều. Hàm lượng tinh bột khi không được cơ thể hấp thụ hết sẽ tích tụ tại dạ dày, gây nên cảm giác đầy bụng, khó tiêu.
- Thực phẩm có vị chua: Dạ dày có chứa sẵn axit và các men tiêu hóa. Việc ăn nhiều thực phẩm có vị chua, nhất là vào lúc đói có thể làm lượng axit trong dạ dày tăng lên đột ngột, gây cảm giác đau cồn ruột và sau đó là trướng bụng nếu ăn no (do dịch vị không đủ vì đã bị tiết ra quá nhiều trước đó).

Thực phẩm nên ăn hằng ngày:

- Các loại rau xanh giàu chất xơ:
Chất xơ chứa nhiều trong rau củ, trái cây, ngũ cốc còn nguyên cám, các loại đậu. Nếu bị táo bón hoặc muốn phòng ngừa bệnh này, bạn cần bổ sung chất xơ trong khẩu phần ăn vì nó giúp bài xuất dễ dàng chất thải ra ngoài. Tất cả các loại rau có lá màu xanh đều hiệu quả cho táo bón. Chúng có tính kiềm là chủ yếu nên giúp trung hòa các axit được tạo ra khi ăn đường, trứng, thịt và các chất dịch cơ thể. Nhờ đó, nó duy trì được tính kiềm yếu cho đường ruột, giúp loại bỏ máu độc. Các loại rau điển hình là các loại rau lá củ cải, rau bina, cải xoăn, cải bắp, cà rốt, súp lơ…
Hơn nữa, chế độ ăn uống nhiều chất xơ giúp ngăn ngừa hoặc điều trị các bệnh khác nhau của hệ tiêu hóa như bệnh chi nang ruột non, bệnh trĩ…
Chất xơ còn có ích trong việc làm giảm cholesterol toàn phần, đặc biệt là cholesterol xấu, giúp kiểm soát cân nặng cơ thể và làm đường huyết tăng chậm sau bữa ăn. Bình thường, mỗi người Việt Nam cần tối thiểu 20-30 gam chất xơ mỗi ngày, tương đương với 300 gam rau xanh và 100 gam quả tươi.





- Thực phẩm giàu kẽm:
Được coi là dưỡng chất rất cần thiết cho sự tái tạo của tế bào miễn dịch, những thực phẩm giàu kẽm giúp giảm tần suất và độ trầm trọng của bệnh tiêu chảy và nhiễm trùng. Bạn có thể ăn thật nhiều thực phẩm chứa kẽm bằng cách bổ sung đa dạng vào thực đơn hằng ngày như: sò, củ cải, cùi dừa già, đậu Hà Lan, lòng đỏ trứng, khoai lang, đậu phộng…





- Thực phẩm giàu Vitamin A
Thực phẩm giàu vitamin A được tìm thấy trong nhiều nguồn thực phẩm như gan động vật, cá thu, cá trích, cà rốt, súp rau, rau bina, xà lách, nước cam, khoai tây và món rau trộn…
Đây là nhóm thực phẩm giúp tăng cường chức năng bảo vệ đường ruột, duy trì việc sản xuất các dịch tiết, chống ô-xy hóa tăng các đáp ứng miễn dịch.
- Thực phẩm giàu Protein
Trong thịt nạc (đã loại bỏ da) có tổng hàm lượng chất béo thấp, tỷ lệ acid béo không sinh cholesterol cao hơn acid béo bão hoà nên cơ thể dễ hấp thụ và tiêu hóa dễ dàng, giảm thiểu những khó chịu cho quá trình tiêu hóa. Ngoài ra, thịt nạc nếu được tiêu thụ với liều lượng cân đối có thể đưa vào chế độ ăn kiêng giảm cholesterol hoặc giúp tăng cường và bồi dưỡng cho sức khoẻ tim mạch.





- Sữa chua chứa Probiotics:
Một số loại sữa chua được bổ sung men vi sinh sống Probiotics giúp cung cấp hàng tỷ lợi khuẩn cho đường ruột, giúp bảo vệ, tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa chống lại những ảnh hưởng từ chế độ ăn uống không khoa học và ăn những thực phẩm không lành mạnh. Bên cạnh đó, Probiotics trong sữa chua còn tạo ra hàng rào bảo vệ, ngăn không cho vi khuẩn có hại xâm nhập vào máu và các bộ phận khác trong cơ thể; giúp phân hủy lactose trong sữa thành glucose và galactose - hai loại đường giúp cơ thể dễ hấp thụ các chất dinh dưỡng, lại ít gây dị ứng, tăng cường khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và hỗ trợ hệ miễn dịch.
- Nước:
Nước rất cần thiết để giúp hệ tiêu hóa làm việc đúng cách. Uống nước trong hoặc sau bữa ăn cũng như đều đặn trong ngày có thể giúp cải thiện tiêu hóa vì nó làm thức ăn loãng ra, dễ di chuyển trong hệ tiêu hóa. Ngoài ra, một số vitamin và khoáng chất trong thực phẩm chỉ hòa tan trong nước, do đó uống đủ nước sẽ giúp cơ thể hấp thụ các loại vitamin và khoáng chất hiệu quả nhất.

Monday, August 19, 2013

Tác dụng của chất xơ trong việc phòng ngừa và chữa bệnh

Chất xơ có trong các loại rau củ quả mà chúng ta vẫn thường ăn hàng ngày, chúng có tác dụng rất tốt đối với hệ tiêu hóa của chúng ta đồng thời cũng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, béo phì, viêm ruột thừa và táo bón…





Chất xơ bao gồm hai loại: 
- Chất xơ hòa tan: Tan được trong nước, bao gồm pectin, pentozan và chất nhầy. Chất này có nhiều trong vỏ cám của hạt gạo, hạt đại mạch, ngô, hạt lạc, các loại đậu, cùi trắng của quả bưởi, cam, vỏ táo, vỏ nho...
- Chất xơ không hòa than: Không tan được trong nước, bao gồm cellulo và hemicellulo, có nhiều trong các loại rau xanh, quả, măng...
Một số tác dụng của chất xơ trong việc phòng ngừa và chữa bệnh:

1. Phòng ngừa táo bón
Do có đặc tính hút nước, chất xơ không hòa tan trương lên khi ở trong ruột, làm nở và mềm khối phân, kích thích thành ruột, tăng nhu động ruột khiến việc đẩy phân ra ngoài dễ dàng hơn. Ngoài ra, chất xơ có tác dụng hấp phụ các chất độc có trong hệ tiêu hóa, tăng khả năng miễn dịch của hệ thống này, tăng cường hoạt động của hệ vi khuẩn đường ruột nên giảm được nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhất là bệnh tiêu chảy, tác dụng này thấy rõ ở trẻ em.

2. Phòng ngừa bệnh ung thư
Các chuyên gia về ung thư học của Mỹ đã khẳng định rằng: chất xơ có tác dụng rất mạnh trong việc phòng ung thư đường tiêu hóa mà đặc biệt là ung thư đại tràng. Nó làm tăng khả năng miễn dịch của hệ thống tiêu hóa, khuyến khích hệ vi khuẩn hữu ích trong ruột phát triển. Chính hệ vi khuẩn này đã tác động thường xuyên lên thành ruột, hạn chế sự phân chia bất thường của các tế bào, kìm hãm sự phát sinh, phát triển các túi nang bất thường trên thành ruột.
Hơn nữa, khi lên men trong ruột, chất xơ còn tạo môi trường có tính khử cao, chống lại các chất oxy hóa; mà đại tràng là nơi phát sinh và chứa nhiều chất oxy hóa, chất độc trong quá trình chuyển hóa thức ăn.
Riêng các chất xơ hòa tan lại có một vai trò trong chuyển hóa lipid, glucid và lipoprotein. Vì thế, nó làm giảm thời gian thức ăn tồn đọng trong hệ tiêu hóa, giúp hệ thống này ít phải chịu sức ép của thức ăn về góc độ khối lượng cũng như sinh hóa.
Chất xơ còn có tác dụng ngăn ngừa nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ. Với những phụ nữ có chế độ ăn nhiều chất xơ, ít chất béo và đạm, nguy cơ ung thư vú có liên quan đến oestrogen giảm đáng kể. Ở những trẻ em gái có chế độ ăn như vậy, tuổi xuất hiện kinh nguyệt cũng muộn hơn và vì thế sẽ ít bị ung thư vú hơn khi trưởng thành.

3. Giảm mỡ máu
Khi các chất xơ không hòa tan hút nước, chúng giữ luôn một phần muối mật nên kích thích cơ thể tăng cường sản xuất muối mật để bù vào lượng thiếu hụt, vì thế mà tăng sử dụng cholesterol.
Lượng cholesterol tích lũy sẽ giảm đi kéo theo lượng cholesterol trong máu cũng giảm. Còn các chất xơ hòa tan tác động lên quá trình chuyển hóa lipid nên giảm nguy cơ xơ vữa động mạch. Các chuyên gia khuyên rằng những người bị tăng cholesterol máu nên tăng lượng chất xơ trong khẩu phần hằng ngày.

4. Phòng ngừa và điều trị tiểu đường
Chất xơ làm hạn chế tăng đường huyết sau khi ăn; nhất là các chất xơ hòa tan do có khả năng tăng tính nhạy cảm của insulin.
Nó tham gia chuyển hóa triglycerid nên giúp kiểm soát nồng độ đường trong máu một cách hiệu quả. Đường sẽ được giải phóng từ từ vào máu, duy trì được nồng độ đường/máu một cách ổn định. Đây chính là mục đích của việc phòng ngừa và kiểm soát bệnh tiểu đường.

5. Chống béo phì
Chất xơ không có giá trị dinh dưỡng nên chỉ tạo cảm giác no mà không không tăng lượng calo cho cơ thể. Vì thế, nó rất lợi cho những người bị béo phì.
Mặt khác, do chất xơ có thể hạn chế và kiểm soát lượng đường trong máu nên không tạo ra tình trạng thừa đường để chuyển hóa thành mỡ dự trữ. Ngay trong quá trình tiêu hóa thức ăn, cả chất xơ hòa tan và không hòa tan đều làm tăng tốc độ vận chuyển thức ăn trong ruột, hạn chế được sự hấp thu các chất dinh dưỡng nên cũng hạn chế tăng cân.

6. Điều trị sỏi mật
Khi kết hợp với acid mật, các chất xơ tự nhiên ngăn chặn nguy cơ tạo ra sỏi mật.
Ngày nay do sự phổ biến của các loại thực phẩm tinh chế nên chất xơ trong khẩu phần ăn hàng ngày đã bị loại bỏ gần hết. Theo một khảo sát gần đây, lượng chất xơ trong khẩu phần ăn của chúng ta hiện nay chỉ bằng 40-50% so với 30 năm trước. Đó chính là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc các căn bệnh của xã hội hiện đại như ung thư, tim mạch, tiểu đường... Với người Việt Nam, để có đủ chất xơ trong một ngày, mỗi người cần ăn tối thiểu 300g rau xanh và 100g quả tươi giúp đảm bảo sức khỏe và  tránh mắc các bệnh trên một cách tốt nhất.

Vai trò của chất xơ

Chất xơ là các polysacclarides không tiêu hóa được khi ăn, bao gồm các chất như cellulose, pectin, lignin, inulin... có trong các loại thức ăn thực vật là rau, củ, quả. Tùy theo độ phân tán trong nước mà chất xơ được chia thành 2 loại là chất xơ không hòa tan (có trong cám gạo, cám lúa mì, cám bắp, hoa quả và rau, củ, hạt quả, đậu khô…) và chất xơ hòa tan (có trong các loại trái cây, rau, củ, cám yến mạch, lúa mạch, đậu khô, đậu Hà Lan, sữa đậu nành và các sản phẩm khác của đậu nành)
Từ đó, chất xơ được xem là thức ăn thô. Nó là phần không tiêu hóa được của thực phẩm từ thực vật. Vì lý do này mà trước kia, người ta xem chất xơ là một chất không có giá trị dinh dưỡng, nhưng ngày nay các chuyên gia đã chú ý đến vai trò của nó nhiều hơn trong khẩu phần ăn của con người. Và các nghiên cứu khoa học đều cho thấy, ăn chất xơ nhiều rất có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là chất xơ hòa tan.
Một chế độ ăn giàu chất xơ có tác dụng phòng ngừa nhiều loại bệnh tật và tăng cường sức khỏe, nhưng khẩu phần ăn bình thường thường không đủ hàm lượng chất xơ như khuyến cáo là 20-25g. Do đó, các nhà nghiên cứu của Đại học Harvard khuyên nên ăn trái cây, củ quả nguyên hạt thay vì gọt vỏ, xay xát kỹ, tăng cường các thành phần ngũ cốc trong bữa ăn… để tăng lượng chất xơ.
Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại và những bữa ăn công nghiệp và đặc biệt trên đối tượng như trẻ nhỏ, thì việc bổ sung đủ hàm lượng chất xơ rất khó thực hiện đều đặn. Do đó, công ty TNHH thương mại dược phẩm Trang Ly đã nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm Traly Inulin – chứa 1g inulin là 1 chất xơ hòa tan trong mỗi ống dung dịch nên hấp thu tốt hơn và phù hợp với người già, trẻ em. Sản phẩm có vị ngọt dễ chịu, có thể uống trực tiếp, pha loãng với nước, cháo, sữa nên rất dễ dàng sử dụng cho trẻ em.





Để biết thêm chi tiết, có thể tham khảo tại website: tranglypharma.com

Saturday, August 3, 2013

Lựa chọn thực phẩm cho người bị viêm khớp


Viêm khớp là tình trạng viêm, đau ở các khớp. Điều trị các triệu chứng viêm khớp thường bao gồm thay đổi lối sống, vật lý trị liệu, thuốc và tập thể dục tác động thấp. Ngoài ra, chế độ ăn uống cũng rất quan trọng trong việc điều trị cho các bệnh nhân viêm khớp, nó có thể cải thiện hay làm trầm trọng hơn chứng viêm khớp. Sau đây là một vài lưu ý trong chế độ ăn uống hàng ngày dành cho người bị viêm khớp.

1.  Thực phẩm cần tránh

Ăn thực phẩm chứa nhiều chất béo sẽ khiến bạn tăng cân nhanh chóng, đây chính là nguyên nhân làm trầm trọng thêm bệnh viêm khớp. Cân nặng quá mức có thể gây áp lực lên các khớp, gây ra những sự cố cho sụn và mô xương. Bạn có thể giảm cân thông qua chế độ ăn uống và tập thể dục nhẹ nhàng để giảm đau và giảm những tổn thương khớp. Vì vậy những người bị bệnh viêm khớp cần tránh các loại thực phẩm có hàm lượng chất béo cao như một số loại thực phẩm sau:
- Một chế độ ăn thuần chay, loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm từ động vật bao gồm cả thịt, cá, sữa và trứng, có thể giảm các triệu chứng viêm điển hình của viêm khớp dạng thấp. Đặc biệt là các loại thịt đỏ, là tác nhân ảnh hưởng lớn nhất đối với viêm khớp vì nó làm tăng axit uric máu, gây đau.
- Hạn chế tất cả các món ăn làm tăng chất mỡ trong máu vì đây sẽ là xúc tác phản ứng viêm tấy ở mặt trong bao khớp như: thịt mỡ, bơ, xúc xích, dăm bông…
Ngoài ra tuyệt đối không dùng các đồ uống có cồn như rượu, bia và các đồ uống có chứa nhiều cồn khác; không nên hút thuốc vì chất oxy hóa từ khói thuốc sẽ góp phần làm trầm trọng hơn quá trình thoái hóa khớp.

2.  Những thực phẩm nên dùng 


a. Rong biển
Rong biển – một loại thực phẩm lý tưởng để ngăn chặn hiện tượng viêm tấy trên mặt khớp. Trong rong biển có chứa hàm lượng chất đạm cao hơn cả thịt cá, trứng sữa, đồng thời nó còn chứa nhiều sinh tố, khoáng tố hơn nhiều các thực phẩm gốc động vật. Trong rong biển có chất béo 3 – Omega có tác dụng kép vừa  tương tranh với chất mỡ trong máu vừa nâng cao sức kháng bệnh. Rong biển cũng không gây gánh nặng cho đường tiêu hóa, và tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan giải độc như gan, thận, da có thể hoạt động với hiệu năng tối đa.




b. Hải sản
Ăn các loại hải sản như nghêu, sò… Các loại thực phẩm này là nguồn cung ứng chất nhờn cho bao khớp.



c.  Thực phẩm  chứa axit béo omega-3
Nguồn thực phẩm cung cấp axit béo omega - 3 bao gồm cá bơn, cá trích, cá ngừ, cá hồi hồ, cá hồi, cá mòi, cá thu và cá nước lạnh khác. Một số thực phẩm khác như quả óc chó, dầu quả óc chó, dầu đậu nành, dầu hạt cải, hạt lanh và dầu hạt lanh chứa các chất chuyển đổi thành các axit béo omega-3.
Axit béo Omega-3 thiết yếu hỗ trợ chức năng não, sức khỏe tim mạch và tăng cường hệ thống miễn dịch. Thường xuyên tiêu thụ axit béo omega-3 sẽ làm giảm quá trình sản xuất các loại hóa chất gây viêm nhiễm, xưng khuỷu khớp, ức chế các loại enzym làm tăng bệnh. Ngoài ra các loại thực phẩm này còn chứa nhiều vitamin D làm giảm tấy đỏ và giúp người bệnh dễ chịu hơn.



d.  Hành tỏi
- Hành ta, hành tây, tỏi… có giàu chất quercetin, hydro sunfua có tác dụng chống oxy hóa và tăng cường sự lưu thông máu. Hành tỏi giúp ức chế các hóa chất gây viêm nhiễm rất tốt cho người bị viêm khớp. Trong thành phần của tỏi còn rất giàu kali, các nguyên tố vi lượng, vitamin và i-ốt.
- Để bảo toàn cao nhất những tính năng tuyệt vời của tỏi nên nghiền tỏi trước và để khoảng 15 phút trước khi cho vào nấu (mục đích giúp tạo ra các phản ứng enzym để tăng cường các hợp chất có tác dụng tốt đối với sức khoẻ trong tỏi).


e.  Trái cây giàu Vitamin C
- Vitamin C có tác dụng bảo vệ callagen, một thành phần chính của sụn, nếu thiếu thành phần này sụn sẽ yếu và rủi ro gia tăng bệnh rất cao. Nhưng chú ý là trường hợp mắc bệnh viêm xương khớp thì không nên lạm dụng Vitamin C liều cao (từ 1.500-2.500mg/ngày) kéo dài từ 8 tháng trở lên, để mang lại lợi ích cao nhất nên dùng từ 200-500mg/ngày.
- Cà chua tốt cho người bị thấp khớp nhờ hàm lượng lycopen và chất carotenoit chống ôxy hoá. Tuy nhiên, hãy cẩn thận với cà chua xanh vì trong thành phần của nó có chứa solanin - một ancaloit tương đối độc. Một cốc nước ép cà chua chín mỗi ngày thực sự rất cần thiết cho việc bảo vệ sụn.
- Tăng cường các loại trái cây như: đu đủ, dứa, chanh, bưởi… vì các loại trái này là nguồn cung ứng men kháng viêm và sinh tố C, 2 hoạt chất có tác dụng kháng viêm.



f.  Chè xanh
Theo rất nhiều nghiên cứu thì chè xanh giàu chất chống ôxi hoá có tác dụng giảm đau cho bệnh thấp khớp, đặc biệt là hợp chất có tên là epigallo catechin - 3 gallate (EGCG) có tác dụng hạn chế đau xương nên giúp cho người bệnh dễ chịu. Mỗi ngày nên uống 3-4 cốc nước chè xanh, nên hạn chế đồ uống giàu caffein.



g. Bắp cải
Loại rau này giống như một chất bôi trơn, làm linh hoạt chuyển động các khớp. Thành phần bắp cải lại giàu vitamin C, K và đặc biệt, ăn nhiều bắp cải giúp da đẹp hơn mà không hề sợ tăng cân vì bắp cải chứa rất ít năng lượng.
Hơn thế, chất sunfua có trong bắp cải do có tác dụng chống nhiễm khuẩn và tăng lượng enzim chống ôxy hoá, đóng vai trò quan trọng trong quá trình giải độc của gan nên cũng tốt cho người bệnh thấp khớp.



h.  Toàn bộ ngũ cốc
Các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt là nguồn cung cấp phong phú chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Các lương thực này chứa nhiều carbohydrate phức, mang lại nguồn năng lượng cho người bệnh. Những loại ngũ cốc tốt cho bạn như gạo lứt, lúa mì, lúa mạch, bắp rang, và các sản phẩm ngũ cốc nguyên hạt khác.
Trên đây là những loại thực phẩm nên tránh và nên sử dụng đối với người bị thoái hóa khớp. Ngoài ra mọi người cùng có thể sử dụng các sản phẩm bổ sung có chứa glucosamin, Chodroitin Boswellia Serrata: có tác dụng chống viêm đau trong bệnh khớp, Curcuma longa là rất cần thiết trong việc phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh thoái hóa khớp.

Friday, August 2, 2013

Sơ lược về thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp là bệnh mạn tính thường gặp ở người trung niên và người có tuổi, xảy ra ở mọi chủng tộc, mọi thành phần của xã hội, ở tất cả các nước và phụ nữ nhiều hơn nam giới. Thoái hóa  khớp gây đau và biến đổi cấu trúc khớp dẫn đến tàn phế làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và còn là gánh nặng cho kinh tế gia đình và toàn bộ xã hội. Thoái hóa khớp nếu được chẩn đoán sớm và điều trị sớm có thể làm chậm phát triển của bệnh, giảm triệu chứng đau đớn, giúp duy trì cuộc sống hoạt động.





1.  Một số thống kê về thoái hóa khớp
1.1  Sự liên quan chặt chẽ giữa thoái hóa khớp và tuổi tác
-  15 – 44 tuổi: 5% người bị thoái hóa khớp
- 45 – 64 tuổi: 25 – 30% người bị thoái hóa khớp
- Trê 65 tuổi: 60 – 90% người bị thoái hóa khớp.
1.2  Các vị trí thường bị thoái hóa:
- Cột sống thắt lưng:          31,12%                                         - Háng:                             08,23%
- Cột sống cổ:                   13,96%                                         - Nhiều đoạn cột sống:      07,07%
- Gối:                                12,57%                                         - Các khớp khác:              01,87%
- Các ngón tay:                  03,13%                                        - Riêng ngón tay cái:          02,52%
1.3  Những đối tượng dễ bị thoái hóa khớp:
- Những người có cơ địa già sớm do yếu tố di truyền.
- Người mập cũng dễ bị vì các khớp phải gánh trọng lượng cơ thể nặng hơn.
- Ở người cao tuổi, khả năng sinh sản và tái tạo sụn giảm dần, sụn mất độ trơn nhẵn, giảm đàn hồi, sự chịu lực, chất dịch giảm nhiều… lại càng dễ bị bệnh.
- Một số người bình thường nhưng hay lao động nặng và từng gặp các chấn thương như bị va vấp, ngã, tai nạn giao thông… cũng có nguy cơ bị chứng bệnh này.
2. Nguyên nhân
Thoái hóa khớp là bệnh của toàn bộ các thành phần cấu tạo khớp như sụn khớp, xương dưới sụn, bao hoạt tích, bao khớp… Thường xảy ra ở các khớp chịu lực nhiều như: cột sống, gối, gót. Đây là tình trạng xảy ra do sự mất cân bằng giữa sự tái tạo sụn và sự thoái hóa sụn, là một bệnh lý phức tạp diễn tiến 2 quá trình song song.
- Một là sụn thoái hóa phá hủy dần sụn khớp phủ trên bề mặt xương cùng với thay đổi cấu trúc khớp.
- Và hai là hiện tượng viêm những tổ chức cận khớp. Sự thoái hóa sụn khớp gây hạn chế vận động.
Hiện tượng viêm gây triệu chứng Đau – Xung huyết và giảm hoạt động khớp. Nguyên nhân thường do:
2.1. Sự lão hóa
Theo qui luật của tự nhiên, ở người trưởng thành khả năng sinh sản và tái tạo sụn giảm dần và hết hẳn. Các tế bào sụn với thời gian tích tuổi lâu dần sẽ già, khả năng tổng hợp các chất tạo nên sợi collagen và mucopolysaccharide sẽ giảm sút và rối loạn, chất lượng sụn sẽ kém dần, tính chất đàn hồi và chịu lực giảm.
2.2.Yếu tố cơ giới
Là yếu tố thúc đẩy quá trình thoái hóa nhanh. Yếu tố cơ giới thể hiện ở sự tăng bất thường lực nén trên một đơn vị diện tích của mặt khớp hoặc đĩa đệm là yếu tố chủ yếu trong thoái hóa khớp thứ phát, nó gồm:
- Các dị dạng bẩm sinh làm thay đổi diện tích tỳ nén bình thường của khớp và cột sống.
- Các biến dạng thứ phát sau chấn thương, viêm, u, loạn sản hay làm thay đổi hình thái, tương quan của khớp và cột sống.
- Sự tăng trọng quá tải: tăng cân quá mức do béo phì, do nghề nghiệp.
2.3. Các yếu tố khác
- Di truyền: cơ địa già sớm.
- Nội tiết: mãn kinh, tiêu đường, loãng xương do nội tiết, do tuốc.
- Chuyển hóa: bệnh goutte.
Theo nguyên nhân, có thể phân biệt hai loại thoái hóa khớp.
- Nguyên phát: nguyên nhân chính là do sự lão hóa, xuất hiện muộn, thường ở người sau 60 tuổi, nhiều vị trí, tiến triển chậm, tăng dần theo tuổi, mức độ không nặng.
- Thứ phát: phần lớn là do nguyên nhân cơ giới, gặp ở mọi lứa tuổi (thường trẻ dưới 40 tuổi) khu trú một vài vị trí nặng và phát triển nhanh.
3. Các biểu hiện bệnh lý
3.1  Đau
- Đau ở vị trí khớp bị thoái hóa. Đau âm ỉ, ở cột sống có thể có cơn đau cấp. Đau thường xuất hiện và tăng khi vận động hay thay đổi tư thế. Thường xuất hiện từng đợt kéo dài rồi giảm và hết, sau đó lại xuất hiện đợt khác sau khi vận động nhiều.
- Đau nhiều có co cơ phản ứng.
3.2  Hạn chế vận động
Các động tác của khớp bị thoái hóa có hạn chế, mức độ hạn chế không nhiều và có thể chỉ hạn chế một số động tác, hạn chế động tác chủ động và thụ động. Do hạn chế vận động cơ vùng thương tổn có thể bị teo.
 3.3  Biến dạng
Không biến dạng nhiều như ở các khớp khác (viêm khớp, goutte). Biến dạng ở đây do các gai xương mọc thêm ở đầu xương; ở cột sống biến dạng hình thức gù, vẹo, cong, lõm
3.4  Các dấu hiệu khác
- Teo cơ: do ít vận động
- Tiếng lạo xạo khi vận động: ít giá trị vì có thể thấy ở người bình thường hoặc ở các bệnh khác.
- Tràn dịch khớp: đôi khi thấy ở khớp gối, do phản ứng xung huyết và tiết dịch ở màng hoạt dịch.
4. Điều trị và phòng bệnh
4.1  Nguyên tắc:
Không có thuốc điều trị quá trình thoái hóa, chỉ có thể điều trị triệu chứng, phục hồi chức năng và phòng bệnh bằng cách ngăn ngừa, hạn chế các tác động cơ giới quá mức ở khớp và cột sống.
4.2  Các phương pháp điều trị
4.2.1  Nội khoa: Dùng các thuốc giảm đau - chống viêm
4.2.2  Các phương pháp không dùng thuốc:
- Các bài thể dục cho từng vị trí thoái hóa
- Điều trị bằng tay: xoa bóp – kéo nắn, ấn huyệt, tập vận động thụ động
- Điều trị bằng nước khoáng.
- Sử dụng các dụng cụ chỉnh hình
4.2.3  Điều trị ngoại khoa
- Chỉnh lại dị dạng các khớp bằng cách đục và khoét xương.
- Điều trị thoái vị đĩa đệm bằng cách cắt vòng cung sau hay lấy phần thoái vị.
4.3  Phòng bệnh
- Chống các tư thế xấu trong lao động và sinh hoạt.
- Tránh các động tác quá mạnh, đột ngột và sai tư thế khi mang vác, đẩy, xách, nâng...
- Kiểm tra định kỳ những người làm nghề lao động nặng dễ bị thoái hóa khớp để phát hiện và điều trị sớm.
- Chống béo phì bằng chế độ dinh dưỡng thích hợp.
- Khám trẻ em, chữa sớm bệnh còi xương, các tật về khớp (vòng kiềng, chân cong). Phát hiện sớm các dị tật của xương, khớp và cột sống để có biện pháp sớm, ngăn ngừa thoái hóa khớp thứ phát.
(Sưu tầm)

Thursday, August 1, 2013

Hiện tượng khô khớp


Khi tuổi tác nhiều lên, chất dịch nhầy, dịch khớp bôi trơn các đầu xương và sụn giảm đi, điều này khiến cho các khớp xương không được hoạt động trơn tru và phát ra tiếng kêu rồi dẫn đến khô khớp.




Quá trình dẫn đến khô khớp
Ở các khớp bao giờ cũng có một lớp sụn giúp khớp trơn tru, dễ dàng vận động, chịu được sức nén. Lớp sụn này luôn được đổi mới, mòn đến đâu phục hồi đến đấy, quá trình này kéo dài cho đến tuổi già. Dần dần, khi cơ thể đáp ứng với việc phá hủy, sụn khớp ngày càng mỏng đi, nứt nẻ… để trơ lại lớp xương nằm bên dưới.
Bên cạnh đó, ngoài lớp sụn, để các vị trí khớp này hoạt động tốt, cần phải có một chất hoạt dịch (hay còn gọi là dịch nhầy, dịch khớp) có tác dụng bôi trơn các đầu khớp xương và sụn.
Tuổi tác càng cao, lượng dịch nhầy tiết ra giữa các khớp càng giảm. Điều này khiến những khớp xương hoạt động không “trơn tru” và phát ra tiếng kêu. Bạn sẽ bị khô khớp rồi dần dần dẫn đến chứng thoái hóa khớp.
Ngoài ra việc uống rượu bia, hút thuốc lá nhiều gây tích lũy các độc chất có tác dụng sinh viêm khớp như acid uric và chất oxy hóa từ khói thuốc lá cũng khiến khớp có vấn đề.

Phòng ngừa, hạn chế hiện tượng khô khớp
Không có thuốc nào chữa khỏi hẳn bệnh khô khớp vì đây là một tất yếu của tuổi già. Nhưng ta có thể hạn chế, làm chậm lại quá trình này bằng tập luyện, vận động đúng mức, phù hợp tình trạng sức khỏe và chế độ dinh dưỡng giúp cải thiện tình trạng khô khớp. Sau đây là một số lưu ý để hạn chế hiện tượng này:
- Không để tăng cân vì nếu tăng lên 1  kg đồng nghĩa với việc khớp phải chịu đựng sức nặng tăng gấp 5 lần
- Tránh các động tác có thể gây dị dạng, bất thường cho khớp như ngồi gập gối thường xuyên, khiên đồ nằng nhiều…
- Nên ăn các loại thực phẩm bắt nguồn từ biển như cá biển, mực, cua… hay những loại rau có chất nhờn như mồng tơi, đậu bắp, các loại sụn của động vật giúp bổ sung chất nhờn cho khớp.
Lưu ý: Khi  thấy có dấu hiệu không bình thường xảy ra ở các khớp, bạn nên đi kiểm tra ngay trước khi triệu chứng này chuyển biến nặng hơn và có nguy cơ dẫn đến thoái hóa khớp.

Một số lưu ý đối với người mắc chứng khô khớp
- Trước khi ngủ thoa dầu nóng hay kem lên các khớp gối, cổ tay, cổ chân. Khi ngủ có thể gác hai chân lên cao một chút để máu lưu thông tốt hơn.
- Hàng ngày nên tắm bằng nước nóng và đi bộ đều đặn. Những lúc rảnh rỗi hay chủ động co duỗi tay, chân tại chỗ
- Kết hợp dùng các loại thuốc có chứa glucosamin, chondroitin…  để cung cấp bổ sung chất nhờn cho khớp.
- Chú ý đến trong khẩu phần dinh dưỡng hàng ngày của mình. Ăn các loại hải sản như nghêu, sò… đặc biệt nên ăn nhiều rong biển. Đây là loại thực phẩm rất giàu dinh dưỡng, khoáng chất… ngăn chặn hiện tượng viêm tấy trên mặt khớp.
Lưu ý: Hiệu quả điều trị của thuốc sẽ tốt hơn nếu được kết hợp với vật lý trị liệu và các liệu pháp vận động khác. Nên đến bác sĩ khám để được tư vấn các phương pháp cũng như những bài tập riêng phù hợp. Không nên tự luyện tập ở nhà. Động tác thể dục sai cũng có thể khiến khớp bị tổn thương nhiều hơn. Khi tập luyện nên tiến hành từ từ, không tập quá sức. Nếu cảm thấy đau nhói ở khớp, bạn nên nghỉ ngơi. Ở một số trường hợp, khi khớp bị tổn thương quá nặng, mất khả năng vận động, người bệnh có thể sẽ phải thay khớp.
Có thể bạn quan tâm:
Đau khớp mùa lạnh - Những điều nên lưu ý
Lựa chọn thực phẩm cho người bệnh khớp
Lựa chọn tối ưu trong điều trị bệnh khớp