Cột mốc phát triển là các hành vi hoặc kỹ năng
thể chất được quan sát ở trẻ qua quá trình lớn lên. Theo đó, trẻ biết đi
sớm nhất khi 8 tháng tuổi và muộn nhất là 18 tháng tuổi.
Cuối tháng 2/2014, tại TP HCM, 4 chuyên gia hàng đầu Việt Nam về nhi
khoa, dinh dưỡng và tâm lý trẻ em đã tham gia buổi thảo luận bàn tròn
bàn về nghiên cứu của Giáo sư Louise Dye, chuyên gia về Dinh dưỡng và
Hành vi trẻ em (ĐH Leeds - Anh). Nội dung buổi thảo luận xoay quanh vấn
đề: Trẻ không chỉ lớn lên theo độ tuổi mà còn theo từng cột mốc phát
triển.Theo Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Gia Khánh - Phó chủ tịch hội Nhi khoa Việt Nam, 3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi là những cột mốc cha mẹ dựa vào để biết được con mình lớn lên thế nào. Tuy nhiên, đối với quan điểm hiện đại, đánh giá một đứa trẻ không chỉ dựa vào chiều cao, cân nặng, mà còn phải dựa vào sự phát triển thể chất, tinh thần, tâm lý và vận động ở từng độ tuổi.
Cột mốc phát triển là các hành vi hoặc các kỹ năng thể chất được quan sát ở trẻ qua quá trình lớn lên và phát triển. Tại mỗi cột mốc phát triển, luôn có những giới hạn tuổi trên và dưới để theo đó trẻ có thể đạt được cột mốc đó. Theo đó, trẻ biết đi sớm nhất khi 8 tháng tuổi và muộn nhất là 18 tháng tuổi. Điều này được xem là bình thường.
Giai đoạn phát triển
Lấy dấu ấn phát triển nổi trội nhất trong từng giai đoạn làm cơ sở, cùng việc đặt quyền lợi của trẻ và sự quan tâm của phụ huynh đối với sự phát triển của con em mình làm mục tiêu, các chuyên gia đã đồng thuận đưa ra cách chia cột mốc phù hợp cả 3 lĩnh vực nhi khoa, tâm lý và dinh dưỡng. Theo đó, giai đoạn mang thai, mau lớn (0 - 6 tháng), tập đi (6 - 12 tháng), tò mò (1 - 2 tuổi), khám phá (2 - 4 tuổi) và sáng tạo (4 - 6 tuổi).
Dinh dưỡng tác động 32% tới các giai đoạn phát triển của bé
Về phương diện chuyển hóa, tất cả các giai đoạn phát triển của bé cần sự thay đổi của tế bào và mô (cơ và xương phát triển, điều hòa sự vận động tự động của hệ cơ, não bộ tăng trưởng và mạng lưới dẫn truyền xung động thần kinh hiệu quả). Tất cả những sự thay đổi này đòi hỏi sự trợ giúp tốt nhất có thể: chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng phù hợp, môi trường nuôi dưỡng. Trong 3 yếu tố trên, dinh dưỡng quyết định đến 32% .
Tiến sĩ, bác sĩ Bảo Khanh khuyến cáo theo kết quả khảo sát Tình trạng dinh dưỡng khu vực Đông Nam Á (SEANUTS), hơn 50% trẻ em Việt Nam từ 6 tháng đến 6 tuổi thiếu hụt vi chất quan trọng như A, B1, C, D và sắt. Với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, hậu quả của suy dinh dưỡng là đặc biệt nghiêm trọng, không thể phục hồi, và ảnh hưởng lâu dài tới tương lai, thậm chí đến thế hệ sau.
Theo WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), 1.000 ngày đầu tiên tính từ khi mẹ mang thai đến khi trẻ tròn 2 tuổi cần chế độ dinh dưỡng chuyên biệt, giúp bé đạt mốc phát triển đúng theo từng độ tuổi. Bên cạnh đó, sự phát triển trí não và nhận thức cũng rất quan trọng trong giai đoạn 1-6 tuổi, giúp trẻ học hỏi, ghi nhớ, và kết nối. Quá trình phải được hỗ trợ bằng dinh dưỡng như: DHA, cholin, iod, magiê và duy trì năng lượng ổn định cho hoạt động của não.
Như vậy, trong quá trình phát triển của bé suốt những năm đầu đời, dinh dưỡng luôn đóng vai trò nền tảng để phát huy tối đa tiềm năng tại từng cột mốc phát triển, đảm bảo dinh dưỡng cho bé trong giai đoạn này, cha mẹ có thể an tâm về sự phát triển toàn diện về thể chất lẫn nhận thức của bé trong tương lai. Bên cạnh đó, hiểu rõ về cột mốc phát triển giúp cha mẹ không những tạo điều kiện phát triển tốt nhất cho bé mà còn phát hiện kịp thời các trường hợp bệnh lý không mong muốn để có phương pháp chữa trị kịp thời.
(sưu tầm)