Showing posts with label điều trị chứng thiểu năng tuần hoàn não. Show all posts
Showing posts with label điều trị chứng thiểu năng tuần hoàn não. Show all posts

Friday, September 20, 2013

Một số biện pháp phòng ngừa và điều trị chứng thiểu năng tuần hoàn máu não






1.  Những yếu tố dẫn đến rối loạn tuần hoàn não
-  Các bệnh mạn tính là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra chứng bệnh này, như các bệnh tăng huyết áp, xơ cứng mạch não, tình trạng lắng đọng mỡ, đường trong máu, các bệnh van tim, rối loạn nhịp tim, suy thận mạn…
-  Sự thay đổi về thời tiết, khí hậu, thời sinh học cũng là một yếu tố nguy cơ của rối loạn tuần hoàn não. Nghiên cứu của một số bác sĩ thần kinh học ở Việt Nam cho thấy tai biến mạch máu não phát triển vào tháng 8, tháng 12 và tháng 1 tại Cần Thơ, khu vực đồng bằng sông Cửu Long; ở Hà Nội thấy tai biến mạch máu não xảy ra vào tháng 2, 3 và 10, 11 (liên quan đến mùa lạnh, gió mùa đông bắc). Về thời sinh học, con người có 2 thời khắc dễ gặp rủi ro về tuần hoàn não nhất là vào thời điểm từ 4-5 giờ sáng và 5-6 giờ chiều.
-  Các yếu tố xã hội: Đó là thói quen, tập quán sinh hoạt, kiến thức phổ thông và bệnh tật. Hiện nay có nhiều người không biết số đo huyết áp của mình, nhiều người rất thờ ơ với hiện tượng đau đầu, mỏi chi. Tình trạng dùng rượu, bia, nghiện thuốc lá là điều kiện thuận lợi cho chứng rối loạn tuần hoàn não. Xu hướng thừa cân, béo phì, ít vận động làm gia tăng bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch tác động xấu đến rối loạn tuần hoàn não. Những người dưới 40 tuổi cũng có thể bị mắc bệnh do stress từ áp lực công việc, xã hội nặng nề.
2.  Biện pháp phòng ngừa thiểu năng tuần hoàn não
-  Khi nghi ngờ bị thiểu năng tuần hoàn não (có đau đầu, chóng mặt, buồn nôn…), cần đi khám bệnh ngay và rất nên khám bệnh định kỳ.
-  Trong cuộc sống hàng ngày cần có chế độ ăn uống hợp lý như ăn nhiều rau, quả, cá (mỗi tuần nên ăn vài ba bữa cá), hạn chế ăn nhiều thịt, không nên ăn mỡ động vật.
-  Nên hạn chế đến mức tối đa uống rượu, bia.
-  Nên bỏ thuốc lá hoặc thuốc lào.
-  Tập thể dục đều đặn để ngăn ngừa một số bệnh như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, thừa cân vì các bệnh này gián tiếp làm xuất hiện bệnh thiểu năng tuần hoàn não.
-  Không nên tắm nước lạnh khi mới đi ngoài trời nắng về và mùa lạnh, nên mặc ấm, nơi nằm ngủ tránh gió lùa.
-  Mùa đông mỗi lúc thức dậy, nhất là lúc nửa đêm và gần sáng cần nằm tĩnh dưỡng một lúc mới ngồi dậy, tránh lạnh đột ngột bởi tránh tình trạng mạch máu co lại đột ngột làm não thiếu máu đột xuất, rất dễ gây tai biến mạch máu não.
3. Điều trị bệnh
Vì các biểu hiện không đầy đủ, chỉ thoáng qua, nên thiểu năng tuần hoàn não có khi dễ bị nhầm là suy nhược thần kinh, rối loạn tiền đình. Vì vậy, khi nghi ngờ bị thiểu năng tuần hoàn não (có đau đầu, chóng mặt, buồn nôn…), cần điều trị ngay và rất nên kiểm tra bệnh định kỳ.
-  Khi đã được xác định bị thiểu năng tuần hoàn não, cần tuân theo những lời tư vấn của bác sĩ khám bệnh cho mình, nhất là chế độ ăn, tập luyện, dùng thuốc. Đồng thời cũng cần phải cho những thành viên trong gia đình biết về bệnh của mình để được giúp đỡ, giám sát và tạo điều kiện thuận lợi trong chế độ ăn, uống, nghỉ ngơi và dùng thuốc.
-  Điều trị bệnh có hiệu quả phải tìm nguyên nhân để điều trị tận gốc, kết hợp với điều trị triệu chứng. Nếu huyết áp thường xuyên thấp hơn bình thường nên dùng các thuốc nâng huyết áp (heptamyl) hoặc uống trà gừng, trà sâm hằng ngày vào buổi sáng.
-  Hiện nay có rất nhiều loại thuốc chữa triệu chứng chóng mặt, tùy cơ chế bệnh sinh, có thể với bệnh nhân này hiệu quả với thuốc này nhưng lại ít hiệu quả với bệnh nhân khác. Các thuốc có cả dạng tiêm và uống như tanganil; thuốc dạng uống đơn thuần như sibelium; beta serc; dedalon...
-  Các thuốc cải thiện tuần hoàn não tác động trên nhiều cơ chế khác nhau như giãn mạch não như stugeron hoặc tăng cung cấp ôxy não như duxil hoặc tăng lưu thông mạch máu như pyracetam... Một số thuốc nguồn gốc Đông y cũng được sử dụng có hiệu  quả như Hoạt huyết dưỡng não, Traly Brain... Tuy nhiên để điều trị bệnh có hiệu quả và an toàn cần phải được khám bệnh kê đơn tại các cơ sở y tế chuyên khoa, tránh tình trạng người dân thấy triệu chứng giống nhau là tự ý mua thuốc dùng. Thuốc có thể chỉ định được cho bệnh nhân này nhưng với người bệnh khác lại là chống chỉ định. Càng không thể chỉ dựa vào đọc tác dụng của thuốc mà dùng ngay cho bản thân, điều này rất nguy hiểm.

SKĐS