Mùa hè với nền nhiệt độ cao là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, đặc biệt với trẻ nhỏ, hệ miễn dịch còn non nớt. Đây là thời điểm chứng rối loạn tiêu hóa ở trẻ gia tăng, khiến trẻ chậm lớn, biếng ăn, suy dinh dưỡng.
Tại các bệnh viện, số lượng trẻ em phải nhập viện vì các bệnh về hệ tiêu hóa gia tăng do thời tiết đang bước vào thời kỳ cao điểm của nắng nóng. Ghi nhận tại phòng khám hô hấp và tiêu chảy, bệnh viện Nhi trung ương và khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai mới thấy lượng bệnh nhi đến khám rất đông, phải kéo dài ra tới tận hành lang.
Theo thông tin cho biết, từ tháng 4 tới nay, lượng bệnh nhân mắc các bệnh về tiêu hóa, hô hấp tăng đáng kể. Theo thống kê từ Bệnh viện Nhi trung ương, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi bị rối loạn tiêu hóa lên đến 59,2%, từ 1 đến 2 tuổi là 39,9%. Đáng báo động là có trẻ cứ tái đi tái lại gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Trẻ nhập viện vì các bệnh đường tiêu hóa tăng cao
Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Hương (Mai Dịch, Hà Nội), con được 2 tuổi nhưng mấy hôm nay chị phải đóng bỉm ban ngày cho cháu, nguyên nhân hơn tuần nay, cu Bin, bỗng dưng bị nôn trớ sau khi ăn xong, ngày đi ngoài đến 2/3 lần. Ban đầu chị Hương nghĩ do con đang tập ăn rau nên bị ảnh hưởng, thế nhưng khi tình trạng kéo dài gần 1 tuần thì chị hốt hoảng đưa con đi khám bác sĩ đề tìm nguyên nhân…
Vì sao trẻ hay mắc rối loạn tiêu hóa khi trời nắng nóng?
Theo các chuyên gia nhi khoa cho biết, thời điểm này, trẻ rất dễ mắc những bệnh về rối loạn tiêu hóa. Bệnh thường xảy ra khi bé dùng phải thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn bởi vì trong điều kiện nhiệt độ cao, thức ăn sẽ dễ bị lên men, nhiễm khuẩn, ôi thiu và trẻ nhỏ vô tình ăn phải thức ăn này. Các biểu hiện thường gặp là trẻ đầy bụng, khó tiêu, nôn ói, đi cầu phân sống, tiêu chảy, táo bón…
Sử dụng kháng sinh dài ngày khiến trẻ bị loạn khuẩn đường ruột
Hơn nữa, thời tiết thay nóng quá trẻ phải thường xuyên sử dụng điều hòa, sự chênh lệch nhiệt độ đột ngột khiến trẻ dễ bị mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, viêm tai mũi họng, có thể bị viêm phổi … khi đó trẻ phải sử dụng nhiều loại thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh. Quá trình sử dụng kháng sinh dài ngày dẫn đến các vi khuẩn có lợi (có chức năng bảo vệ hệ tiêu hóa của trẻ) cũng bị tiêu diệt, gây loạn khuẩn đường ruột. Vì vậy, thời điểm này tỉ lệ trẻ bị rối loạn tiêu hóa gia tăng đột biến, gây tiêu chảy, táo bón, đầy trướng, ăn không tiêu, miễn dịch kém, mệt mỏi, dị ứng và làm giảm khả năng hấp thu dưỡng chất của cơ thể… lâu ngày dẫn đến suy dinh dưỡng khó hồi phục.
Làm gì khi trẻ bị rối loạn tiêu hóa?
Điều đầu tiên, để trẻ không bị rối loạn tiêu hóa, các bậc phụ huynh cần chú ý đến khâu vệ sinh cho trẻ. Vệ sinh từ đồ chơi đến môi trường sống của trẻ, tránh các thực phẩm ôi thiu, cho bé ăn đồ ăn tươi và dễ tiêu hóa, uống nhiều nước, ăn nhiều rau quả, sữa chua; chế độ ăn hợp lý và đúng giờ. Khi trẻ có biểu hiện táo bón cần tăng cường chất xơ từ rau quả, uống nhiều nước, xoa bụng thường xuyên. Khi trẻ bị tiêu chảy cần hạn chế thức ăn có nhiều đường và chia làm các bữa nhỏ để trẻ dễ tiêu hóa.
No comments:
Post a Comment